Nguyễn Bỉnh Khiêm nguyên có tên khai sinh là Nguyễn Văn Đạt (1491-1585) tên húy là Văn Đạt, tự là Hạnh Phủ, hiệu là Bạch vân am cư sĩ. Ông sinh tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn
Hải Dương (nay thuộc xã
Lý Học, huyện
Vĩnh Bảo, thành phố
Hải Phòng). Ông sinh ra trong gia đình có cha mẹ nổi tiếng học rộng. Cha của ông là giám sinh Nguyễn Văn Định, nổi tiếng hay chữ nhưng chưa hiển đạt trong đường khoa cử. Mẹ của ông là bà Nhữ Thị Thục, con gái út của quan
Tiến sĩ Thượng thư bộ Hộ
Nhữ Văn Lan triều
Lê Thánh Tông. Bà là người phụ nữ có bản lĩnh khác thường, học rộng biết nhiều lại tinh thông địa lý, tướng số. Ngay từ khi Nguyễn Bỉnh Khiêm cất tiếng khóc chào đời, thấy con mình có tướng mạo khác thường, bà đã dốc lòng đào tạo con trai thành một tài năng giúp nước, cứu đời. Niềm thôi thúc đó khiến Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm tìm được thầy học có đạo cao đức cả là cụ bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Với trí tuệ mẫn tiệp, thông minh từ nhỏ, lại gặp thầy giỏi khác nào như rồng gặp mây. Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm thành tài năng kiệt xuất nổi tiếng. Và chính thầy giáo sau này giao con trai cho Nguyễn Bỉnh Khiêm nuôi dạy.
Ông lớn lên trong một giai đoạn lịch sử nhà Lê suy thoái, rơi vào khủng hoảng. Chính vì vậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm không ra ứng thi sớm. Tính từ khi trưởng thành, ông bỏ qua 6 khoa thi dưới triều Lê sơ và 2 khoa thi đầu dưới triều Mạc. Mãi tới năm 1535, dưới thời Mạc Đăng Doanh, lúc này đã 45 tuổi, ông mới đi thi. Ba lần thi Hương, thi Hội, thi Đình ông đều đỗ đầu và đỗ Trạng nguyên. Từ đấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm được bổ nhiệm làm nhiều chức vụ, được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi Trình Quốc Công nên dân gian quen gọi ông là Trạng Trình.
Ông còn là người học rộng, hiểu sâu nghĩa lý Kinh Dịch, mưa nắng, họa phúc việc gì cũng biết trước. Quả đúng như vậy, sử sách đều thừa nhận Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà dự báo, hoạch định chiến lược kì tài, coi ông là nhà tiên tri số 1 nước Việt. Năm 1568, Nguyễn Hoàng thấy anh là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm sát hại, lo cho "số phận" nên đã ngầm cho người hỏi kế an thân, Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (ngụ ý nói: Dựa vào một dải Hoành sơn có thể lập nghiệp được lâu dài). Thế là Nguyễn Hoàng tức tốc xin anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa (từ Đèo Ngang trở vào). Hay tại Thăng Long, thời ấy chúa Trịnh cũng ra sức ức hiếp vua Lê và muốn phế bỏ, liền cho người hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông không trả lời và lẳng lặng dẫn sứ giả ra thăm chùa và nói với nhà sư: "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản", ngụ ý muốn khuyên chúa Trịnh cứ tôn phò nhà Lê thì quyền hành tất giữ được. Nếu tự ý phế lập sẽ dẫn đến binh đao. Còn đối với nhà Mạc, sau những cuộc chiến tranh liên miên, phải bỏ chạy lên Cao Bằng thế thủ, vua Mạc cho người về hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông đã trả lời: "Cao Bằng tuy thiển, khả diên sổ thể" (Cao Bằng tuy đất hẹp, nhưng có thể giữ được vài đời). Quả nhiên, mãi đến năm 1688, sau ba đời giữ đất Cao Bằng, nhà Mạc mới bị diệt.
Hơn thế nữa, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là nhà thơ nổi tiếng của dân tộc. Ông đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị như:
Bạch Vân am thi tập (gồm hàng trăm bài thơ chữ Hán còn lưu lại) và
Bạch Vân quốc ngữ thi (với hàng trăm bài thơ chữ Nôm). Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm giàu chất liệu hiện thực, mang tính triết lý sâu xa của thời cuộc. Thơ ông còn truyền đạt cho đời một đạo lý đối nhân xử thế, đạo vua tôi, cha con và quan hệ bầu bạn, hàng xóm láng giềng. Đọc thơ ông là thấy cả một tấm lòng lo cho nước, thương đời, thương dân, và một tâm hồn suốt đời da diết với đạo lý: "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Vì thế khi về ở ẩn, ông vẫn mở trường dạy học, mong đào tạo cho đời những tài năng "kinh bang tế thế". Học trò của ông cũng có người trở thành danh tướng, Trạng nguyên như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền...
Ngày 28 tháng 11 năm Ất Dậu (1585), ông tạ thế tại quê nhà ở tuổi 95, đây là tuổi thọ hiếm có đương thời.