Nhạc sỹ Hoàng Hiệp đã từng viết “Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Quả thật ai đã từng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội – một mảnh đất địa linh nhân kiệt thì sẽ không thể quên được tình yêu dành cho Hà Nội - một tình yêu không dễ gọi tên, chỉ biết ngắm nhìn, trân trọng và nâng niu.
Vâng! Thăng Long – Hà Nội không chỉ là pho sử kì vĩ về lịch sử thăng trầm trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho các sáng tác nghệ thuật. Biết bao nhà văn, nhà thơ đã thực sự thành công và để lại cho đời những áng văn bất hủ về mảnh đất này. Trong buổi giới thiệu sách ngày hôm nay thư viện trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm xin được giới thiệu cuốn sách: “Sống mãi với thủ đô” của tác giả Nguyễn Huy Tưởng. Cuốn sách do nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản vào năm 2015 với kích thước nhỏ xinh chỉ 14 x 22.5cm.
Cuốn sách “Sống mãi với Thủ đô” tái hiện lại một quá khứ của Hà Nội trong đêm nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc vào cuối năm 1946, tất cả trở nên sống động như đang tái sinh trong đối thoại, tranh luận với người đọc ở thì hiện tại, từng trang bản thảo về cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô của quân dân Hà Nội trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Với tất cả tình yêu Hà Nội, tác giả muốn thông qua đó không chỉ tái hiện cuộc kháng chiến đã qua, mà tha thiết hơn, gợi nên ở người đọc những cảm nhận tinh tế nhất về Hà Nội - một Hà Nội của những con người hào hoa, thanh lịch mà bất khuất kiên cường. Nhưng bao trùm lên tất cả là cảm hứng tự hào, tha thiết với Thủ đô của những con người Hà Nội qua thử thách càng bộc lộ khí chất của mình - một thứ “chất Hà Nội” rất khu biệt, có vẻ phóng túng mà chân thành, hào hoa mà đằm thắm, giản dị mà vẫn sang…
Cuốn tiểu thuyết “Sống mãi với thủ đô” tập trung miêu tả một lớp người đã hòa mình vào dòng chảy sục sôi của thời đại, tái hiện những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến ở thủ đô Hà Nội vào mùa đông năm 1946. Cuốn sách làm sống dậy những thời khắc lịch sử đầy đạn bom khói lửa, đầy máu và nước mắt, mặc dù vậy vẫn mang âm hưởng lạc quan trong tiếng cười nói, tiếng trẻ rao bán báo, tiếng rao hàng, tiếng đàn ấm áp, tiếng sinh hoạt… gợi lên một bản hòa tấu rất riêng, rất Hà Nội. Nguyễn Huy Tưởng dựng nên nhiều lớp người, thuộc mọi địa vị trong xã hội Hà Nội với nét cư xử rất đặc trưng, miêu tả từ cái bộn bề của cuộc sống bên ngoài đi sâu vào sự phức tạp của tâm lý bên trong. Một ngòi bút văn chương đậm chất điện ảnh.
“Sống mãi với thủ đô” không chỉ dừng lại ở một tác phẩm văn học mà nó còn như cuốn tài liệu lịch sử ghi chép lại bối cảnh Hà Nội trong những năm thời điểm đầu thế kỷ XX, hơn thế nữa ở giai đoạn kháng chiến mùa đông năm 1946. Nguyễn Huy Tưởng tỉ mỉ ghi chép lại những sự kiện lịch sử diễn ra, ông lồng ghép tên những con phố nổi tiếng ở thủ đô cùng nếp sống, nếp sinh hoạt của con người trước & xuyên suốt cuộc tranh đấu. Hà Nội trước những ngày nổ ra chiến tranh mang vẻ đẹp của mảnh đất nghìn năm văn hiến, hiện ra qua những con phố mà mỗi nơi lại mang lại nét đặc trưng riêng, như phố Hàng Khoai, hàng Đường hay hàng Chiếu. Người người khắp mọi nơi trên đất Kinh Kỳ, hầu như đều đổ về đây để hòa trong không khí nhộn nhịp, phơi phới của tiếng người mua, kẻ bán. Không ở đâu trên đất Hà Nội vui bằng khu chợ Đồng Xuân mỗi dịp tết đến, họ vồn vã sắm sửa cho gia đình thức ăn ngon hay bó hoa đẹp khi xuân về.
24 chương của “Sống mãi với thủ đô” chính là viết về nguyên mẫu lớp người ấy, những con người đã bám trụ với thủ đô giữa bối cảnh trước và sau đêm 19/12/1946 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ban bố hiệu triệu Toàn quốc kháng chiến. Người Hà Nội đứng trước lựa chọn chết vinh hay sống nhục, trốn chạy hay ở lại sống chết với thủ đô. Đại đa phần đã chọn ở lại với thủ đô để chiến đấu đến cùng. Đấy là những con người bình thường xuất thân từ mọi tầng lớp, mọi ngành nghề. Họ có thể là cô cậu con nhà phú quý, cũng có thể là dân nghèo bữa đói bữa no. Họ có thể là giáo sư, học sinh, sinh viên, tiểu thương, công viên chức, cũng có thể là người bán hoa, thợ nguội, thợ xẻ, tài xế, thợ chữa xe đạp..
“Sống mãi với thủ đô” là tác phẩm xuất sắc về những ngày Toàn quốc kháng chiến. Cả câu chuyện như không hề có nhân vật chính, mỗi nhân vật xuất hiện đều như một nét vẽ vào bức tranh lớn về Hà Nội năm 1945. Đọc tác phẩm ta như được quay trở về những năm 1945, Hà Nội khi đó đang phải trải qua cuộc tranh đấu chống Pháp sinh tử nhưng mà nhờ những con người quả cảm đã giúp Hà Nội tiếp tục đứng vững…
Nguyễn Huy Tưởng viết "Sống mãi với Thủ đô" không chỉ bằng những tài liệu, ông viết bằng cả vốn hiểu biết và tấm lòng yêu dấu, mê say của mình với thủ đô Hà Nội. "Sống mãi với Thủ đô" là một bông hoa tuy chưa nở hết, nhưng đã khá đậm đà hương vị và người đọc càng thêm mến yêu đất nước và mến yêu Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến của một dân tộc anh hùng có một truyền thống bất khuất lâu đời.
Là học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng em cần nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của mỗi cuốn sách, nhất là những cuốn sách có giá trị trong cuộc sống không chỉ hôm nay mà cho cả mai sau. Hãy để những cuốn sách hay dẫn đường cho tất cả chúng ta đến những chân trời tươi sáng hơn – nơi có những tia nắng ấm áp của tình yêu thương, sự trân trọng và lòng cảm mến.
Cuốn sách “ Sống mãi với Thủ đô ” hiện đang có mặt tại thư viện trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thư viện nhà trường luôn mở rộng cánh cửa chào đón các em.