Để lan tỏa văn hóa đọc và niềm yêu thích với việc đọc sách, tôi xin giới thiệu với các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh cuốn sách “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một truyện dài của nhà văn được nhận giải văn chương ASEAN. Cuốn sách dày 375 trang được in trên khổ giấy 13 x 24 cm do Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành năm 2018. Nâng niu “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” trên tay, người đọc cứ thế mà cầm, mà mân mê rồi đọc một lèo đến hết. Bác Nguyễn Nhật Ánh là cây bút yêu thích của rất nhiều người. Thông thường mọi người nói rằng bác viết truyện cho trẻ em rất hay. Mà thực ra thì không hẳn, phải là bác viết về tuổi thơ của chúng ta rất hay. Những câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh luôn gợi nhớ về một thời tuổi thơ đã xa. Một nơi mà trẻ con sống vô lo vô nghĩ. Một nơi của những trò chơi thôn quê như bắt bướm, bắt dế, chuồn chuồn, tắm sông, câu cá,… Nguyễn Nhật Ánh lấp đầy tuổi thơ bằng những câu chuyện giản dị và ngây thơ.
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” viết về tuổi thơ nghèo khó ở một làng quê, bên cạnh đề tài tình yêu quen thuộc, lần đầu tiên Nguyễn Nhật Ánh đưa vào tác phẩm của mình những nhân vật phản diện và đặt ra vấn đề đạo đức như sự vô tâm, cái ác. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” chắc chắn sẽ mang đến người đọc những điều thú vị với cả bạn đọc nhỏ tuổi và người đọc lớn tuổi lớn bằng giọng văn trong sáng, hồn nhiên, giản dị của mình qua hơn 300 trang sách. Cuốn sách chắc chắn có một sức ám ảnh, thu hút, hấp dẫn mà không người đọc nào có thể bỏ qua. Đến tận dòng cuối cùng của cuốn truyện, giọng văn dễ thương của Nguyễn Nhật Ánh vẫn lôi cuốn người đọc, cứ thế, từng trang sách cứ được lật sang, lật sang cho đến hết.
Có lẽ, nỗi vất vả của kiếp đời mưu sinh đã quá nhọc lòng trên đôi vai bé nhỏ nên những hình ảnh mộc mạc, thân thuộc thế này đã gợi không ít nỗi nhớ, niềm thương. Và bằng những dòng suy nghĩ chân thành, ngôn từ giản dị Nguyễn Nhật Ánh đã vẽ một chuyến đi đưa người đọc trở về thời thơ ấu. Không cần quá phô trương nhưng đủ sâu sắc, không cần quá thâm thúy nhưng đủ để chúng ta có thể nhìn thấy mình ở trong đó.
Cuốn sách nói về tuổi thơ nghèo khó ở một làng quê Việt Nam thân thuộc. Là nơi đã chứng kiến những rung động đầu đời của cả hai anh em Thiều và Tường, tình cảm gia đình, tình anh em yêu thương chân thành, cũng như những đố kỵ ghen tuông và những nỗi đau trong quá trình trưởng thành. Đặc biệt hơn đây là lần đầu tiên Nguyễn Nhật Ánh đưa vào trong tác phẩm của mình những nhân vật gần như phản diện ngầm nhắc nhở về những vấn đề đạo đức – Cái thiện và cái ác.
81 chương ngắn của một câu chuyện dài là 81 câu chuyện nhỏ của những đứa trẻ sống trong ngôi làng nghèo. Sau mỗi chương là một khía cạnh khác có thể xoay quanh nhân vật chính nhưng cũng có thể đề cập đến những nhân vật khác và theo từng chương đã gợi mở những cảm xúc, những rung động trong chính trái tim của hai anh em Thiều nói riêng và của mọi người nói chung. Những luân lý, đạo nghĩa không ngừng trở đi trở lại trong nỗi niềm day dứt và tiếc nuối của người đọc.
Chúng ta hẳn ai cũng đã từng có những rung động đầu đời. Đó không chỉ duy là tình yêu mà đến với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ta còn nhìn thấy được cảm giác rung động của một đứa trẻ lần đầu tiên biết đến “hoa tay”. Lần đầu tiên biết đến hoa tay thì thằng Thiều - một đứa trẻ hay tò mò và ham vui đã đi khắp làng để đếm và coi hoa tay. Ngoài ra, chúng ta còn được trở về thời xa xưa, thời điểm mà những người yêu nhau thường ngày ngóng, đêm mong nhận được những bức thư tay. Lần đầu tiên viết thư tình Thiều đã lấy cắp hai câu thơ của chú Đàn và chị Vinh, bức thư tình trở nên dí dỏm và đáng yêu hơn bao giờ hết khi bị thầy giáo bắt được:
“Nắng mưa là bệnh của trời
Tương tư là chuyện của tôi yêu nàng”
Những cảm xúc dần hình thành trong lòng Thiều, là sự đồng cảm với hoàn cảnh của Mận, xót xa khi biết sự đau khổ mà Mận trải qua và hối hận những khi mình bảo Tường ngu ngốc, lúc Tường vì mình mà chịu đòn hay lúc trêu đùa người khác. Quan trọng nhất chính là lần đầu biết cảm giác thích là như thế nào, lần đầu thấy lúng túng và ngại ngùng khi đối diện với Mận. Hay là khi nghe kể chuyện ma thì hai anh em rùng mình sợ đến nổi bị nhát là chạy toán loạn, đến khi về nhà lại bị đánh vì tội là con trai mà sợ ma. Hơn thế, khi nghe bạn kể về xóm Miễu - nơi có ma cọp thì hai anh em lại tò mò và muốn đi khám phá, dù sợ ma nhưng cứ ra vẻ. Còn về Tường, một trải nghiệm đầu đời có thể nói là không thể quên của Tường chính là trở thành “chim xanh” của chú Đàn và chị Vinh nhưng không may lại bị cha của chị Vinh phát hiện.
Khi đọc Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chắc hẳn chúng ta sẽ đôi lần rơm rớm xúc động rồi lại bẽn lẽn cười một mình trước tình cảm ngây ngô mà chân thành của hai anh em Thiều. Dù cho có lần Tường và Thiều đi chơi về bị ba đánh, Thiều chẳng mấy chốc đã bỏ Tường lại rồi vắt chân lên cổ mà chạy thì Tường vẫn chịu đòn giùm anh Hai. Hay là lúc chơi trò ném đá, khi Tường ném trúng Thiều thì cảm thấy đau lòng. Nhưng vào cái độ tuổi trưởng thành, Thiều khó mà kiểm soát được những cơn nóng giận ghen tuông vô cớ của mình nên đã vô tình tổn thương thằng Tường hết lần này đến lần khác.
Có những lúc tâm trạng Thiều trở nên xấu đi và bí bách vì thấy được cảnh Tường và Mận chơi chung với nhau, suốt ngày cứ dính lấy nhau. Trong ánh nhìn nóng ran có chút đau đớn của Thiều rõ thấy Thiều có nhận thức nhưng vẫn không thể chế ngự được lòng đố kỵ của một đứa con trai lần đầu rung động.
Nguyễn Nhật Ánh không chỉ cho ta trở về thời thơ ấu với bao nhiêu cảm xúc ngổn ngang mà còn gieo rắc vào tâm hồn ta thứ tình cảm nhân văn và cao quý hơn hết đó chính là tình thân. Người cha chấp nhận chịu cảnh tù túng, thậm chí là trốn chui trong cái căn gác xập xệ cùng với căn bệnh quái lạ mà người ta hay gọi là bệnh phong. Đứa con gái ngây ngô và giàu tình cảm như Mận cũng không tiếc bỏ cả những lúc học bài để chăm sóc cho cha.
Và rồi một trận hỏa hoạn ập xuống. Rồi một cơn lũ lớn tạt qua. Cuộc sống làng quê thanh bình cũng có lúc bị dọa đến chết khiếp, những cánh đồng bát ngát, những lũy tre xanh, cây đa đầu làng,…tất cả sẽ bị thiêu rụi trong biển lửa hay nhấn chìm trong biển nước.
Lướt qua từng chương của quyển sách, chúng ta sẽ bật cười trong vô thức khi nhìn thấy chính mình. Ngôn từ không quá chau chuốt, cảm xúc nhẹ nhàng như rót vào giấc ngủ và một giấc mơ thần tiên hiện ra trong phút chốc. Tất cả là vì có được cơ hội để trở lại thành một đứa trẻ, có được khoảng thời gian vô tư không lo lắng, có khoảng thời gian mà cứ vui thì cười, cứ buồn thì khóc.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sẽ là một “tấm vé” đưa mọi người trở về thời tuổi thơ lắm đỗi ngọt ngào lẫn day dứt mà mỗi người đã từng trải qua. Đối với mỗi độc giả, quyển sách này sẽ không làm cho bạn cảm thấy chán nản hay vô vị, mà nó sẽ cho chúng ta được tự do bộc lộ tâm sự, cảm xúc thời ấu thơ. Thời gian trôi qua đi vốn không thể nào quay trở lại, nhất là thời thơ ấu, sẽ không thể nào có được những cảm xúc chân thật như thế. Trong xã hội tuy phát triển nhưng những cảm xúc đó quá mờ nhạt. Nếu không phải nơi đây - Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - thì chắc rằng bạn sẽ không thể tìm thấy bình yên ở một nơi nào khác.
Cuốn sách nhỏ nhắn hồn hậu, dí dỏm, ngọt ngào đôi khi lại phảng phất nỗi buồn,.. Những bài học về luân lý, về tình người trở đi trở lại trong day dứt và tiếc nuối. “Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh” lắng đọng nhẹ nhàng trong tâm tưởng để rồi ai đã lỡ đọc rồi mà muốn quên đi thì thật khó.
Cuốn sách Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã được nhận giải thưởng Asean và là một trong những tác phẩm hay nhất viết về tuổi học trò của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Hơn 300 trang sách đã mang đến cho người đọc thật nhiều cảm xúc. Em đã đọc và thực sự bị cuốn hút vào các nhân vật trong cuốn sách.
Hy vọng rằng cuốn sách trên sẽ đem đến cho các bạn học sinh trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm những trải nghiệm thú vị. Cuốn sách có trong Thư viện nhà trường kính mời các thầy giáo, cô giáo và các bạn học sinh tìm đọc.