Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đã có thêm hàng chục đầu sách viết, nghiên cứu về chiến thắng vĩ đại này của dân tộc; có nhiều cuốn sách viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam mà tên tuổi ông đã gắn với những chiến công hiển hách của đất nước ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách đã và sẽ còn đưa ra thị trường nhiều cuốn hồi ký, ghi chép của các vị tướng lĩnh, nhà báo, nhà văn từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Những anh hùng trên đồi A1 của Chu Phác không phải là cuốn tiểu thuyết hư cấu. Đơn giản, đây chỉ là một cuốn sách dưới dạng ghi chép, ký sự mà tác giả Chu Phác đã từng chứng kiến, sống và gắn bó với những người chiến sĩ đã từng cùng với ông "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt"... trên chiến trường Điện Biên năm xưa. Phải mất đúng 70 năm, bây giờ nhà văn Chu Phác mới có điều kiện tập hợp lại tư liệu, cho ra đời cuốn sách mang nhiều dấu ấn kỷ niệm một đời binh nghiệp của ông.
Mỗi câu chuyện trong tập sách Những anh hùng trên đồi A1 đều chân thật, không tô vẽ, hư cấu, mỗi mẩu chuyện giản dị như chính bản thân "những người lính Cụ Hồ" mang dép cao-su, áo trấn thủ ra trận. Trong những trang ghi chép của tác giả Chu Phác, chúng ta thấy được hàng chục những người lính ở Điện Biên Phủ rất xứng danh anh hùng. Đó là những người lính bộ binh ở Trung đoàn (E) 174, E102, Tiểu đoàn (D) 1, D9, D3, những người lính của tiểu đoàn do Vũ Đình Hòe, Nguyễn Dũng Chi là Tiểu đoàn trưởng... Đó còn là người chiến sĩ pháo binh Hà Ngọc Giá, quê ở Yên Thành, Nghệ An. Trong lúc cùng với đơn vị kéo pháo, cũng như Anh hùng Tô Vĩnh Diện, Hà Ngọc Giá đã lấy thân mình chèn pháo để khẩu trọng pháo không lao xuống vực. Đó còn là Trung đội phó Bùi Hiếu Nghĩa xung phong ôm trái bộc phá 10 kg chui vào đường hầm A1 tình nguyện làm ngòi nổ cho hàng tấn bộc phá đánh sập hầm ngầm trên đồi. Một trận đánh có một không hai trong lịch sử của Quân đội ta, mở đường cho bộ binh đánh chiếm cứ điểm A1.
Với 250 trang sách Những anh hùng trên đồi A1, tác giả Chu Phác còn dành nhiều trang kể lại cuộc sống gian khổ của những người lính Bộ đội Cụ Hồ trong những ngày đào hầm, vây ép địch. Tác giả kể về từng bữa ăn, ngụm nước của người lính. Một trong những nhân vật không thể thiếu được với anh bộ đội là hình ảnh người chiến sĩ nuôi quân, người lính thông tin, anh y tá, nữ cứu thương... Tác giả đã dành một số trang viết về nữ văn công ở Điện Biên Phủ, Kim Ngọc. Chị đã cùng với những người lính ở Điện Biên hát cho bộ đội, hát cho thương binh trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Tác giả cũng dành nhiều trang khắc họa hình ảnh những người cán bộ chỉ huy từ cấp tiểu đội, trung đội... lên đến cấp trung đoàn, sư đoàn. Họ luôn là những người chỉ huy gương mẫu, dũng cảm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ hiểm nguy, làm gương cho người lính xông lên phía trước.
Đó là những cán bộ chỉ huy như Vũ Đình Hòe, Bế Văn Cư, Lê Sơn, Dũng Chi... Tập sách cũng dành nhiều trang khắc họa hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tình cảm của ông đối với cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hình ảnh một vị Đại tướng toàn tài tạo niềm tin yêu, kính trọng của quân dân tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ. Hy vọng cuốn sách Những anh hùng trên đồi A1 của nhà văn Chu Phác sẽ mang tới cho bạn đọc nhiều cảm xúc mới mẻ.