Trong thời đại công nghệ hiện đại, sự phát triển của Internet và các thiết bị di động đã khiến cho việc đọc sách trở nên xa lạ và ít thu hút đối với nhiều học sinh. Tuy nhiên, một nơi vẫn luôn tồn tại và truyền cảm hứng đọc sách cho học sinh đó chính là thư viện trường học. Thư viện không chỉ là nơi lưu trữ sách, mà còn là một nguồn cảm hứng vô tận để học sinh phát triển ngôn ngữ, tư duy và tình yêu với việc đọc sách.
Ở Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm – Quận Long Biên, thư viện là nơi thu hút rất đông học sinh tới sau mỗi giờ học. Thoải mái chụm đầu cùng đọc, tự chọn sách theo sở thích và chia sẻ những trang sách hay thậm chí là thoải mái nằm đọc sách là hình ảnh dễ dàng có thể bắt gặp tại thư viện của nhà trường. Với mong muốn lan tỏa văn hóa đọc, tạo được sự yêu thích đọc sách cho học trò, nhà trường đã xây dựng một mô hình thư viện gần gũi, thân thiện với nhiều đầu sách các loại, từ đó khơi dậy niềm vui, đam mê đọc sách và duy trì văn hóa đọc trong các em học sinh.
Để tạo hứng thú đọc sách cho học sinh, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đầu tư xây dựng thư viện với không gian xanh, thoáng mát, sinh động, gần gũi và thân thiện. Trong đó, ngoài việc sắp xếp sách theo từng mục, chủ điểm như sách giáo khoa, sách tham khảo, truyện cổ tích, truyện tranh, kỹ năng sống thì thư viện còn bài trí không gian đọc sách với cây xanh, mô hình mô phỏng các câu chuyện cổ tích gần gũi và bàn đọc gọn gàng.
Máy tính kết nối mạng để truy cập thư viện số cũng luôn được bật sẵn để các em học sinh có thể nhanh chóng tra cứu, tìm đọc. Nội quy đọc sách hay các phẩm chất năng lực cốt lõi cũng được nhà trường thể hiện gần gũi, sinh động qua các hình ảnh bắt mắt, tạo sự mới mẻ giúp học sinh hứng thú tìm hiểu và mượn sách để đọc.
Hàng tuần, ngoài các giờ ra chơi thì mỗi lớp sẽ có 1 tiết học tại thư viện để học sinh có thể tự chọn sách theo sở thích. Tùy theo chủ đề, chủ điểm, thư viện cũng chọn sách hay, phù hợp để giới thiệu cho học sinh. Cách giới thiệu, trưng bày sách cũng sẽ được thay đổi nhằm tạo sự mới mẻ.
Thư viện trường học mang đến một không gian riêng biệt, giúp học sinh hạn chế sa đà vào những thú vui của trò chơi điện tử, mạng xã hội… tạo ra một môi trường học tập đúng nghĩa. Trong thư viện, học sinh có thể chia sẻ những cuốn sách yêu thích, đề cập đến những câu chuyện mình đã trải qua và tạo ra một không gian giao lưu, trao đổi ý kiến về sách. Điều này khuyến khích sự gắn kết xã hội và tương tác giữa các học sinh, tạo ra một cộng đồng đọc sách sôi nổi và truyền cảm hứng cho nhau. Cùng với đó, các em học sinh có thể tìm thấy cảm hứng và mở rộng tầm nhìn của mình thông qua việc đọc sách.
Với những hiệu quả tích cực mà thư viện trường học mang lại, các nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và nâng cấp các thư viện trường học; khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động thư viện; tổ chức các câu lạc bộ đọc sách, buổi thảo luận về tác phẩm văn học và các sự kiện văn hóa liên quan. Qua đó, học sinh sẽ trải nghiệm được giá trị của việc đọc sách và phát triển niềm yêu thích đọc sách trong cuộc sống hàng ngày.