Những món ăn dân dã của làng như bánh khúc, bánh đúc, bát canh cua đồng, chén rượu quê… những thứ thuộc về làng như ao làng, giếng nước, gốc gạo ven đê, hoa may ngày ba tháng tám… tất cả nhớ thương ấy đều được tác giả Trần Đăng Nghĩa gói trọn trong cuốn sách “Khung trời tuổi thơ” - sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành vừa ra mắt bạn đọc.
Nhà là nơi để về
50 tản văn trong cuốn sách đều là ký ức của tác giả ngày còn thơ bé sống trong ngôi làng có tên cổ Hoàng Liên (nay là phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bình yên ven sông Hồng. Lật giở vài trang sách đầu tiên, người đọc dễ dàng nhận thấy trọn vẹn cảm xúc của tác giả đặt vào trong một chữ “Nhớ”. Nhớ những món ăn của mẹ nấu ngày xưa, trong gian bếp thơm mùi khói. Nhớ những cây khúc mọc mơn mởn nơi ruộng cày ải ngơi nghỉ đợi mưa xuân. Những buổi sớm khi trời còn se lạnh, sương còn đọng trên từng kẽ lá, rau khúc được hái về, qua bàn tay khéo léo của người mẹ tần tảo trở thành những chiếc bánh “ngon nhất trên đời”.
Rồi bánh đúc. Công đoạn chọn gạo, ngâm gạo, xay gạo bằng cái cối đá đầy kỷ niệm nơi góc nhà, tiếng ù ù phát ra từ vòng quay của nó “thi thoảng u cầm cái muôi nước tưới đều cho cối trơn, bột nhuyễn”. Tiếp đến là nấu bánh đúc, cũng phải chọn nồi ra sao, tráng tý mỡ nơi đáy nồi thế nào, rồi đũa cả khuấy đều tay… Tất cả những công đoạn đó kể thì nhanh, nhưng có bắt tay vào làm mới thấy nó gian nan đến nhường nào. Bánh chín được đổ ra sàng, sàng được lót bằng tàu lá chuối, đám trẻ ríu ríu nhìn tay mẹ cắt bánh, sẵn chờ vét cháy đáy nồi. Tất cả những công đoạn, thao tác của người mẹ đều được những đứa trẻ ngày ấy (mà này đã lên ông, lên bà) đều nhớ như in. Nhưng tất cả chỉ còn là ký ức, mẹ già trăm tuổi đã về với trời xanh, đứa con thơ dại chợt giật mình nhận ra “chưa mua nổi biếu u một món quà”.
“Khung trời tuổi thơ” của tác giả Trần Đăng Nghĩa do NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Rapper Đen Vâu từng có bài hát triệu view “Đi về nhà”, trong đó có đoạn “Thành công đi về nhà/Thất bại đi về nhà/Mệt quá đi về nhà/Mông lung đi về nhà/ Chênh vênh đi về nhà”. Nhà chính là “Nẻo về” của tác giả Trần Đăng Nghĩa, nơi có thầy, có u. Nhà làm ruộng, nước da thầy nâu sẫm như phủ màu bùn đất, gương mặt gân guốc, khắc khổ. “Con người ấy từng ngụp lặn dưới ao, cào vục từng xô bùn, bưng từng chậu đất để gieo luống mạ trên sân kho hợp tác”, “Đôi chân ngập lún trong ruộng non, ngấm trong giá lạnh, dẫm vào mảnh sành, bước trên đường làng bỏng rát trưa hè, đội từng thúng thóc chạy mưa rào…”. Người cha ấy, thấy việc làng thì sẵn sàng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Và cũng người cha ấy vẫn dạy đàn con rằng, con người chỉ có một chốn để quay về - đó là quê nhà. Nơi sinh ra ở đó, nơi mồ mả tiên tổ ông bà, cha mẹ ở đó, nơi người thân ruột thịt, bà con chòm xóm ở đó…
Không chỉ nhớ món ngon mẹ làm, nhớ dáng khắc khổ của người cha, tất thảy những gì thuộc về làng, biểu trưng của làng đều đã trở thành một phần không thể thiếu để nuôi lớn tâm hồn mỗi người con của làng. Trên bờ đê lộng gió những buổi chiều mùa hạ, cánh diều bay cao, bay xa, đem theo ước vọng của những đứa trẻ làng Mạc.
Sáng tạo vì những giá trị cần gìn giữ
Trong lời bạt cho cuốn sách “Khung trời tuổi thơ” của tác giả Trần Đăng Nghĩa, nhà phê bình văn học Văn Giá đã viết đại ý, những giếng làng, cây lúa, con tôm, con cá, con ốc, cây bưởi, bờ tre, gốc vối… trăm thứ bà rằn ấy, sống hàng ngày với chúng, có khi ta thật vô tình. Khi lớn lên, nhất là sống xa quê, chúng rưng rưng hiện lên để làm thành nỗi nhớ. Nhà phê bình Văn Giá cho rằng, tản văn ngày nay không dừng ở việc miêu tả phong cảnh, giãi bày cảm xúc, nó cần tăng cường chất nghĩ, tri thức chiều sâu. Đọc tản văn không chỉ được xúc động mà còn được khai sáng. Một số tản văn viết về tục nhuộm răng đen của các bà, các mẹ, cách làm ra rượu, khung cảnh hoa tre… là những trang viết thỏa mãn được nhu cầu tìm hiểu của người đọc. Lối viết của Trần Đăng Nghĩa dung dị, hòa trộn theo một cách nào đó đắm đuối, trữ tình, mộc mạc, chân chất, hóm hỉnh xen lẫn khảo cứu. Nhờ vậy, những trang văn có hơi khí tự nhiên, trôi chảy, cuốn hút người đọc.
Chia sẻ về cuốn sách, tác giả Trần Đăng Nghĩa cho rằng, sở dĩ ông chọn thể loại tản văn để truyền tải tình cảm của người viết đến với bạn đọc là bởi, đó là một thể tự do, phóng khoáng, không gò theo ước lệ, đưa đẩy tự nhiên, thấy cần tả thì tả, hợp kể thì kể, phải luận thì luận, và đôi khi cảm xúc trào qua ngòi bút. Người kể chuyện không bao giờ hết chuyện, đôi chỗ chêm xen bình luận hóm hỉnh không bao giờ cạn ý. Nhẹ nhàng, hoài cổ là không khí cổ tích của người giàu trải nghiệm, thích suy ngẫm, bất kể già hay trẻ. Có thể, người đọc vừa được giải trí lại vừa tìm được nhiều kiến giải.
“Xã Liên Mạc, quê tôi, năm 2014 đã là phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm rồi. Nhà cao tầng bê tông cốt thép, ngõ hẹp hun hút, cây cối rất ít. Làng xưa có vẻ đẹp của một không gian ven đô Hà Nội với cảnh bà lão răng đen bỏm bẻm nhai trầu, cháu bé bi bô học bài, cảnh những hàng cau, ao quê, giếng cổ, cánh đồng lúa mướt mát, cây rơm, đàn trâu thong thả, những món ăn, những mùi vị của một “làng” Hà Nội còn dấu vết đồng quê, ăm ắp sự giao hòa với thiên nhiên.... Cảm giác an toàn và thư thái của những giá trị xưa đâu còn nữa, thay vào đó là các dịch vụ... Cuộc sống hối hả làm con người xa cách, hao khuyết thời gian và sức lực nghĩ tới giá trị xưa. Đó là một quá trình chuyển biến tất yếu phải chấp nhận. Quy luật của sự phát triển không thể cứ mãi giữ khư khư trong điều kiện hiện tại. Có hoài cổ cũng không thể nào trở lại được như ngày xưa. Chi bằng chúng mình hãy sáng tạo vì thực tại và hiểu biết những giá trị cần gìn giữ” - Tác giả Trần Đăng Nghĩa kể.
Và với ông, “Khung trời tuổi thơ” là một khoảng trời kỷ niệm và những trải nghiệm của mình ở làng quê mình. Mỗi tấc đất nơi ấy đều có bóng dáng của thầy u và những con người, cảnh vật ở Liên Mạc yêu dấu.
Thư viện nhà trường hân hạnh được đồng hành cùng quý thầy cô và các em học sinh trong năm học 2024 - 2025.